Những người chọn 'nghỉ giữa hiệp'
Đã 4 tháng, Hà Mạnh không phải vật vã với bản thân để dậy đi làm, không bị ám ảnh bởi KPI, deadline... dù vẫn dậy từ 5h sáng với hàng loạt đầu việc.
"Không còn áp lực nhưng nếu không nghiêm khắc với bản thân thì một năm gap year sẽ chẳng có nghĩa lý gì", Hà Mạnh, 30 tuổi, ở Bình Thạnh, TP HCM, chia sẻ. Từ tháng 5, anh đã quyết định nghỉ việc sau 10 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo.
Theo truyền thống ở các nước phương Tây, gap year là khoảng thời gian ngắt quãng để nghỉ ngơi khi một người trẻ chuyển từ môi trường học đường sang công sở.
Vài năm trở lại đây, gap year lan sang cả những người đã đi làm, khi cảm thấy mất hứng thú, động lực với công việc, không thể tiếp tục "chạy vô định".
Quá mệt mỏi và liên tục phải gồng mình để chạy theo công việc là trạng thái của Hà Mạnh trước khi gap year. Chàng trai quê Lào Cai cho biết, công việc cũ cho anh thu nhập khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng yêu cầu sức sáng tạo không giới hạn, lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố như các trào lưu xã hội, KPI (chỉ tiêu), deadline... "Trạng thái burnout (kiệt sức và hết năng lượng sáng tạo) rất dễ xảy ra đối với ngành này", Mạnh bộc bạch.
Hà Mạnh đứng bên suối Lênin trong chuyến đi thăm di tích lịch sử Pác Bó, Cao Bằng, tháng 5/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hòa Trần, phóng viên ảnh của một tờ báo điện tử thấy đồng cảm với Mạnh. "Mình cứ trăn trở tại sao trước đây chụp ảnh là việc mình rất thích, từng sẵn sàng chụp miễn phí để được đi mà giờ lại chán ghét đến thế", Hòa nói. Khi quyết định thôi việc hồi tháng 5, những người xung quanh rất sốc, anh lại thấy bình thản. "Có một lần đi chụp, mình nhận ra vẫn còn đam mê với chiếc máy ảnh. Thứ mình chán là công việc và công ty", cựu phóng viên nói.
Mỹ Hường, 28 tuổi, từng làm trong một công ty lớn hàng đầu Việt Nam. Cô quyết định nghỉ việc vào đầu năm 2020 để thực hiện ước mơ bay nhảy một năm từ thời sinh viên.
Những ngày còn đi làm, Hường có cảm giác công ty không phải là nơi dành cho mình. Cô luôn thấy chán nản, có lúc tự cô lập với đồng nghiệp, gia đình. Năm 2019, Hường xin nghỉ hai tháng để đi tình nguyện ở Philippines. "Nhưng nó chỉ xoa dịu cơn chán nản tạm thời", cô nói.
Mỹ Hường (ngoài cùng trái) vào buổi sáng tháng 1/2020, trước buổi khám chữa bệnh cho bà con ở xã Phú Linh, Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi lựa chọn gap year, dân công sở thường không ồn ào.
Vào sinh nhật tuổi 30, Mạnh bắt đầu vạch kế hoạch, chuẩn bị tiền bạc cho một năm không đi làm, cũng như dành một khoản không nhỏ để thỏa mãn đam mê công nghệ.
Sau khi nghỉ việc, Hòa Trần quyết định không làm gì cả trong một năm. Anh quay về sống cùng gia đình, mua cây về trồng, trang trí lại nhà cửa, dành thời gian nấu cho bố mẹ một bữa ăn hay nói chuyện nhiều hơn với em gái. Anh tìm lại thú vui đọc sách, đặt mục tiêu học tiếng Thái trong 6 tháng, tự học design và sắp tới là học vẽ minh hoạ. Thi thoảng anh làm vlog chia sẻ về hành trình gap year. "Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm được sống chậm lại và quan sát mọi thứ", anh nói.
Trái lại, Mỹ Hường thi luôn vào một chương trình tình nguyện ở Hà Giang. Cô trải qua những ngày bận rộn chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và dạy tiếng Anh cho trẻ em. Khi Covid-19 bùng phát, Hường tổ chức chiến dịch quyên góp và may khẩu trang tặng bà con ở các bản làng giáp biên giới. "Bận bịu từ sáng tới đêm, nhưng tôi thấy mình luôn sung sức vì những giá trị được trao đi và nhận lại", cô nói.
Gần chục năm sống xa gia đình và làm việc không ngừng, Hòa Trần cho phép mình một năm nghỉ để tái tạo năng lượng và kiến thức, trước khi đưa ra lựa chọn tiếp theo cho tuổi ngoài 30. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Thạc Thắng, người nổi tiếng trong giới headhunter (tìm kiếm, tuyển dụng nhân sự cấp cao) ở Việt Nam, cho biết số người đã đi làm chọn gap year không phổ biến như sinh viên. Đa phần khi nghỉ việc sẽ ngay lập tức tìm việc ở nơi khác vì áp lực kinh tế, gia đình.
Thắng cho biết các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những người gián đoạn công việc trong một khoảng nghỉ ngắn và có những hoạt động ý nghĩa như chuyển đổi bản thân, nâng cao kỹ năng, học thêm kỹ năng mới... Nó cho thấy ứng viên đã có thời gian chậm lại xem mình thực sự muốn đi con đường nào tiếp theo.
Tuy vậy, gap year cũng có thể mang đến những rủi ro nếu không được chuẩn bị kỹ càng, ví dụ như bị tụt hậu về chuyên môn so với người đang làm việc. Một số người hết tiền giữa chừng, phải quay lại công việc mà không có nhiều lựa chọn hay thậm chí là quen với sự thoải mái, không muốn trở lại công việc nữa.
Đại dịch hai năm qua là minh chứng cho thấy khó có công việc nào ổn định. Hơn 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, 62% lao động mất việc làm, theo thống kê của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Báo điện tử VnExpress mới đây. Làn sóng dịch lần thứ tư khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn quý trước, với 1,2 triệu người, theo Tổng cục Thống kê.
Với Hà Mạnh, nhờ kế hoạch gap year được chuẩn bị trước cả năm, nên dù dịch không thể thực hiện được kế hoạch xuyên Việt làm bộ phim tài liệu, anh vẫn còn có nhiều việc để làm. Mạnh quay lại sở thích viết lách, làm video, podcast, cũng như trang bị thêm kiến thức để chuẩn bị cho bộ phim tài liệu được tốt hơn khi sẵn sàng bấm máy.
Mỹ Hường nhận ra nếu không thay đổi tích cực thì dù gap year hay không, cô vẫn sẽ bị cho nghỉ. Hơn nửa năm sống ở vùng cao đã giúp cô từ "cái cây khô héo được hồi sinh" và sẵn sàng cho công việc mới. Hiện Mỹ Hường là một cây viết tự do. "Tôi có nhiều dự án viết, thậm chí gần đây nhận được lời mời review trà từ một công ty nước ngoài", cô gái chia sẻ.
Một bạn thân của Hường, sau khi dành một năm ở nhà và đầu tư kiến thức về lĩnh vực phân tích dữ liệu đã kiếm được công việc lương cao gấp đôi so với công ty cũ. Một đồng nghiệp cũ đã có gia đình quyết định nghỉ việc để học tiếng Anh, hiện tại kiếm được một công việc ở vị trí cao hơn và lương gấp ba lần khi làm công ty cũ.
"Gap year mang đến cho chúng tôi sự tự tin, trưởng thành và cả 'bất cần'. Bây giờ tôi sẽ giải quyết bất cứ điều gì đến mà không sợ hãi", Hường chia sẻ.
Phan Dương